Tối ngày thứ năm ngày 03/03/2016, Tọa đàm “START TO CHANGE – BẮT ĐẦU ĐỂ THAY ĐỔI” – phát súng mở đầu cho cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học 2016” do CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học (YRC FTU) tổ chức đã diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi tại hội trường D201 – trường đại học Ngoại thương, số 91 Chùa Láng, Hà Nội.
Tham dự tọa đàm “START TO CHANGE” gồm có:
– PGS.TS Đào Ngọc Tiến – trưởng phòng QLKH trường ĐH Ngoại Thương
– PGS. TS Đỗ Hương Lan – Phó trưởng phòng QLKH trường ĐH Ngoại Thương
– PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ – trưởng khoa Quản Trị Kinh Doanh trường ĐH Ngoại Thương
– TS. Nguyễn Thị Tường Anh – Phó trưởng khoa Kinh Tế Quốc Tế trường ĐH Ngoại Thương
– TS. Trần Sĩ Lâm – giảng viên khoa Kinh Tế và Kinh Doanh Quốc Tế
Chương trình là dịp gặp gỡ và trao đổi giữa những vị diễn giả tài ba:
– TS. Cao Đinh Kiên – Giảng viên khoa Quản Trị Kinh Doanh trường ĐH Ngoại Thương
– ThS. Phạm Xuân Trường – Giảng viên khoa Kinh Tế Quốc Tế trường ĐH Ngoại Thương
– Anh Nguyễn Bá Trường Giang – học giả Fulbright, tốt nghiệp khoa kinh tế ĐH Cornell và khoa Luật ĐH Boston, Mỹ.
– Anh Hoàng Đức Đạt – giải nhì cuộc thi SVNCKH 2015.
Sau màn giới thiệu khách mời vô cùng duyên dáng đến từ MC Lan Hương là một clip ngắn gọn giới thiệu về cuộc thi “SVNCKH 2016” do CLB SVNCKH chuẩn bị.
Tiếp nối việc giới thiệu về cuộc thi SVNCKH từ clip, PGS. TS Đào Ngọc Tiến – trường phòng quản lí khoa học ĐH Ngoại Thương lên phát biểu phát động cuộc thi “SVNCKH 2016”. Thầy Tiến nhấn mạnh những lợi ích của cuộc thi SVNCKH và những kĩ năng sinh viên có thể học được từ những người xung quanh, cách để học được tối đa những kĩ năng, kiến thức nếu như các bạn sinh viên biết “bắt đầu để thay đổi”. Thầy cũng nhấn mạnh những thay đổi trong cuộc thi SVNCKH 2016, đó chính là sinh viên có thể trình bày đề tài nghiên cứu bằng những ngôn ngữ được giảng dạy tại trường; cũng như cuộc thi sẽ được chia thành các cấp độ và các chặng khác nhau, tổ chức tại cấp khoa và cấp trường.
Phần hai của chương trình – “Cảm hứng nghiên cứu khoa học” được bắt đầu bởi những lời chia sẻ đầy nhiệt huyết từ học giả Fulbright – anh Nguyễn Bá Trường Giang. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong thực tiễn và cách để tìm kiếm cảm hứng nghiên cứu từ truyền hình cáp, sách báo, ngay từ những công việc nhỏ nhất trong thực tế cuộc sống. Anh luôn tự đặt câu hỏi “nghiên cứu cái gì?” cho bản thân và luôn trân trọng những người yêu thích nghiên cứu khoa học, vì với anh, nghiên cứu là cách để tìm kiếm nguồn cảm hứng, ảnh hưởng tới đam mê, ảnh hưởng đến nghề nghiệp và ảnh hưởng đến cả cuộc đời mỗi người.
Tiếp theo chương trình, dưới góc độ một giảng viên dày dặn kinh nghiệm, tiếp xúc nhiều với các bạn sinh viên – thạc sĩ, thầy giáo Phạm Xuân Trường nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học trong học tập. Thầy chia sẻ những kĩ năng cần thiết để NCKH đạt hiệu quả: kĩ năng tư duy phản biện, tính kiên nhẫn, xử lí số liệu, tìm tài liệu..
Không khí chương trình trở nên vô cùng sôi nổi khi ban tổ chức công bố thể lệ trò chơi mô phỏng: mỗi nhóm thảo luận, chọn và đặt tên một đề tài với từ khóa “TPP” và sau 5 phút , ban tổ chức sẽ thu đề tài. Sau khi 5 phút của trò chơi kết thúc, một vài bạn sinh viên đã chia sẻ cảm nghĩ về những trải nghiệm của mình sau trò chơi.
Trước khi công bố kết quả trò chơi, TS Cao Đinh Kiên – Giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh đã chia sẻ cùng các bạn sinh viên về những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, cảm hứng chọn đề tài và cách đặt tên đề tài. Thầy nêu lên một số tên đề tài trội hơn trong số những đề tài các bạn đã viết ra trong trò chơi mô phỏng, đó là hai đề tài: “Những nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập TPP” và “Giải quyết tranh chấp thương mại điện tử và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam hướng tới thời kì hội nhập TPP”.
Phần thứ tư của chương trình, cũng là phần hấp dẫn nhất, chính là phần giải đáp câu hỏi. Hàng loạt các câu hỏi được đưa ra như : “Khi viết đề tài nghiên cứu thì nên tập trung nhất vào phần nào?”; “Làm thế nào để tìm được đúng những đồng đội cho hành trình nghiên cứu của mình?”; “Liệu có sự khác biệt giữa nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội?”; “Những khó khăn khi làm nghiên cứu khoa học là gì?” hay “Gợi ý một vài đề tài nghiên cứu liên quan tới môn kinh tế vĩ mô?” đều được giải đáp một cách tận tình từ phía cá diễn giả.
Cuối chương trình, PGS. TS Đỗ Hương Lan lên tặng hoa và gửi lời tri ân tới các vị diễn giả như một lời cảm ơn sâu sắc nhất tới những người truyền cảm hứng cho sự “bắt đầu để thay đổi”.
Sau chương trình, YRC FTU đã có một cuộc nói chuyện vô cùng thú vị với một bạn sinh viên có mặt tại toạ đàm: bạn Nguyễn Minh Hoàng đến từ trường Đại học Điện Lực. Được biết bạn Hoàng đã ghi hình lại toàn bộ chương trình để làm tư liệu, YRC FTU vô cùng vui mừng vì đã tìm thấy một người bạn cùng chung đam mê, hoài bão. Bạn Hoàng chia sẻ: “Sau khi tham dự chương trình thì mình đã bị ấn tượng rất mạnh: không ngờ NCKH lại có những ứng dụng thực tế hay và có tính hiệu quả cao như thế. Tính chất cuộc thi SVNCKH ở trường mình khác với các bạn, nhưng thực sự khi tới đây mình vẫn bị cuốn hút theo những gì anh Giang, thầy Kiên, thầy Trường và bạn Đức Đạt đã nói. Kiến thức mà các vị diễn giả chia sẻ ngày hôm nay rất thú vị , nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng vào thực tế được, vì vậy mình nghĩ các bạn sinh viên nên trau dồi các kĩ năng cần thiết ngay từ bây giờ để đạt đến thành công trong thời gian ngắn nhất.”
YRC FTU xin cảm ơn các quý thầy cô, các vị diễn giả và các bạn sinh viên đã đến, sát cánh cùng YRC trong hành trình mang tên nghiên cứu khoa học – “START TO CHANGE – BẮT ĐẦU ĐỂ THAY ĐỔI”. Một mùa SVNCKH lại bắt đầu, chúc các bạn, các thầy cô tìm được cho mình cảm hứng nghiên cứu, đưa hiểu biết, tri thức lên một tầm cao mới, tìm ra chìa khoá để bước tới thành công từ việc thay đổi những gì nhỏ bé nhất ở xung quanh và trong chính bản thân mỗi chúng ta.