17h30 thứ tư ngày 27/3 vừa qua, tại Phòng hội thảo sinh viên trường Đại học Ngoại thương, buổi Sinh hoạt chuyên môn RYO#3 chủ đề “Vấn đề tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng xăng dầu” đã diễn ra vô cùng sôi nổi, gay cấn với sự góp mặt của PGS,TS. Nguyễn Hoàng Ánh cùng sự tham gia tranh luận của các bạn sinh viên quan tâm đến chủ đề “tạm nhập tái xuất”.
“Tạm nhập tái xuất” (TNTX) là một cụm từ xuất hiện thường xuyên trên các bản tin cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác trong thời gian gần đây, nhất là đối với một mặt hàng nóng như xăng dầu. Về khái niệm, theo quy định về hàng TNTX của công ước Kyoto: TNTX là thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhất định, được đưa vào lãnh thổ hải quan có điều kiện, được miễn hoàn toàn hoặc một phần thuế nhập khẩu, hàng hóa đó phải được nhập khẩu với một mục đích cụ thể và phải được tái xuất trong một thời gian nhất định mà không được thay đổi nào.
Xung quanh các chính sách về TNTX cũng còn rất nhiều kẽ hở làm cho công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc buôn lậu xăng dầu của một số doanh nghiệp. Do vậy, Bộ Tài chính đã có đề xuất tạm dừng hình thức xuất nhập khẩu này đối với mặt hàng xăng dầu. RYO#3 đã lấy 2 ý kiến trái chiều: đồng ý hay không với đề xuất này làm đề tài tranh luận giữa các sinh viên.
Buổi sinh hoạt chuyên môn bắt đầu bằng những thông tin mang tính tổng quát về khái niệm, thực trạng cũng như tình hình TNTX xăng dầu tại Việt Nam do các thành viên YRC trình bày, giúp các bạn sinh viên có những cái nhìn tổng quan và một vài ví dụ về chủ đề tranh luận.
Diễn giả của RYO#3, PGS, TS. Nguyễn Hoàng Ánh đồng thời cũng trình bày quan điểm của mình về vấn đề TNTX. Theo cô, TNTX là một phương thức thâm nhập thị trường – một hình thức trao đổi, giao lưu với các nền kinh tế. Cô đã ví việc giao lưu này như một “con sông”: “Một con sông cần có dòng nước chảy vào, dòng nước chảy ra – một con sông không có cả 2 yếu tố ấy sẽ như chỉ một ao tù với dòng nước đục”.
PSG, TS. Nguyễn Hoàng Ánh và những trao đổi của cô xoay quanh việc nên hay không nên ngừng tạm nhập, tái xuất đối với mặt hàng xăng dầu ở Việt Nam
Và để hâm nóng không khí buổi sinh hoạt trước khi chuyển sang phần tranh luận đầy căng thẳng, ban tổ chức buổi sinh hoạt đã có một trò chơi mang tên “Đuổi hình bắt thương hiệu”nhằm mục đích giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về các doanh nghiệp, các nhãn hàng nổi tiếng. Không khí trong phòng hội thảo nóng lên khi cuộc chạy đua giành phần quà của BTC bắt đầu với những cánh tay giơ lên khi chưa hết thời gian suy nghĩ cho các câu hỏi được đưa ra.
RYO#3 ngay sau đó đã đến với phần tranh luận căng thẳng nhưng không kém phần thú vị. Các bạn sinh viên tham gia được chia thành 2 đội với 2 luồng ý kiến trái chiều: có hay không đồng ý việc tạm dừng TNTX đối với mặt hàng xăng dầu. Sau 10 phút suy nghĩ, các nhóm bắt đầu đưa ra ý kiến của mình và sẵn sàng cho phần phản biện của nhóm còn lại.
Sôi nổi trao đổi ý kiến và “Raise your opinion”
Với quan điểm nên tạm dừng việc TNTX đối với mặt hàng xăng dầu, nhóm 1 đã đi sâu vào nhiều phương diện (như nhà nước hay từ phía các doanh nghiệp) để chứng minh việc TNTX đã khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ngày càng phức tạp, khó giải quyết.
Nhóm 2 – nhóm phản biện – ngược lại đã đưa ra nhiều khó khăn khi dừng hoạt động TNTX lại, như: các tàu nước ngoài sẽ phải mua xăng dầu từ nước khác và sẽ rất khó để quay lại mua xăng dầu từ Việt Nam. Bên cạnh đó, những lợi ích không thể phủ nhận được của TNTX đối với mặt hàng xăng dầu như: tạm nhập sẽ là nguồn dự trữ khi thị trường bất ổn, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu,…. cũng là một cơ sở đề nhóm bảo về quan điểm của mình
Hai nhóm trong quá trình tranh luận đã có rất nhiều ý kiến, luận điểm trái chiều, có rất nhiều cánh tay giơ lên để bảo vệ quan điểm của mình
Kết thúc phần tranh luận, cô Ánh đã tổng kết vấn đề: “Chính sách TNTX ở Việt Nam, khó nói đúng sai, còn về câu hỏi có nên tạm dừng TNTX hay không, có lẽ nên hỏi rằng các chính sách về TNTX có phải là các chính sách tốt nhất?” Theo cô, nên phân biệt rõ TNTX và các chính sách quản lý xăng dầu, tránh tạo ra các lỗ hổng chính sách gây nên các hoạt động buôn lậu của các doanh nghiệp như hiện nay.
Sinh hoạt chuyên môn RYO#3 kết thúc trong tiếng vỗ tay của cả phòng Hội thảo. RYO#3 đã mang đến một sân chơi thú vị với nhiều kiến thức có ích và đặc biệt là cơ hội để tranh luận bảo vệ ý kiến của mình với một cái nhìn vấn đề rộng hơn, tổng quát hơn.
YRC xin gửi đến cô Nguyễn Hoàng Ánh lời cám ơn chân thành nhất vì sự góp mặt vô cùng quý giá cũng như các ý kiến, quan điểm của cô trong buổi SHCM lần này.
Đồng thời YRC cũng gửi lời cảm ơn đến các bạn sinh viên đã dành sự quan tâm và đến tham dự, tranh luận trong RYO#3. Rất hy vọng các bạn tiếp tục dành tình cảm và theo dõi những buổi SHCM tiếp theo của YRC FTU!