Đối với cả 2 phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, bảng hỏi và phiếu khảo sát đều là những công cụ thu thập thông tin đắc lực. Tuy nhiên, dù là các phiếu hỏi đơn giản hay một khảo sát phức tạp, chúng cũng cần một kế hoạch cụ thể và tuân thủ theo những “quy tắc vàng” nhất định để đạt được hiệu quả. Cùng khám phá những tuyệt chiêu này nhé.
PLANNING
Một bản kế hoạch khảo sát sẽ giúp bạn tránh những rủi ro như dữ liệu lỗi, phải thay đổi nội dung, không đủ số lượng khảo sát… Bạn cần xác định rõ các yếu tố sau để quyết định nội dung câu hỏi, cách thức tập trung nguồn lực cho khảo sát và khoảng thời gian, thời điểm, không gian thực hiện khảo sát:
Mục tiêu điều tra: Trả lời câu hỏi cần thông tin gì, trên các phương diện nào,.. là cách để bạn cụ thể hóa mục tiêu để tránh thiếu sót, sau đó chọn lọc những điểm quan trọng nhất phục vụ cho vấn đề nghiên cứu.
Ví dụ: Với mục tiêu “xác định mức độ hài lòng của khách hàng về chất lượng phục vụ của nhà hàng X”, để đặt câu hỏi, cần làm rõ “chất lượng phục vụ” là về phương diện nào (chất lượng món ăn; thái độ phục vụ; cơ sở vật chất; vệ sinh; ….)
Đối tượng khảo sát: Với mỗi nhóm đối tượng thì kế hoạch cho việc thu thập thông tin từ các nhóm là khác nhau, bởi sự khác nhau giữa khoảng thời gian các nhóm có thể cung cấp số lượng bảng hỏi nhiều nhất, phù hợp với thời gian làm việc/ nghỉ ngơi của họ.
Ví dụ: Khi khảo sát trực tiếp đối tượng nhân viên văn phòng thì cần đến các văn phòng, công ty vào ngày làm việc; khảo sát hành vi người tiêu dùng thì việc hỏi tại các siêu thị vào ngày cuối tuần sẽ thu được nhiều bảng hỏi nhất.
Kênh tiếp cận đối tượng: Tùy thuộc thời gian, tính chất của nội dung hỏi mà ta có thể tiếp cận đối tượng offline – phát bảng hỏi, phỏng vấn trực tiếp; hoặc online – điền phiếu khảo sát trực tuyến. Việc khảo sát thực tế đúng đắn với các khảo sát phức tạp, số lượng mẫu nhỏ, phù hợp nội dung chuyên sâu nghiên cứu; khảo sát trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và phù hợp với việc khảo sát đánh giá ý kiến.
Khảo sát thử nghiệm: Sau khi đã thiết kế một bảng hỏi, nên làm thử nghiệm trong phạm vi nhỏ trước khi tiến hành khảo sát thực. Chú ý quan sát phản ứng của người trả lời (nhanh hay chậm, có lúng túng không hiểu câu hỏi hay không…) để điều chỉnh nội dung và hình thức phiếu hỏi cho phù hợp.
DOS & DON’TS
1. Sự thoải mái
✔ Tạo sự thoải mái cho người tham gia khảo sát: Lời ngỏ, phần kết và văn phong của phiếu khảo sát có thể thu hút, gây thiện cảm và tạo sự hợp tác từ họ.
Phần mở đầu giải thích ngắn gọn về mục đích cuộc khảo sát, tầm quan trọng của người được khảo sát. Nên tiếp cận bằng cách nhấn mạnh tính xã hội của phản hồi của họ: “Ý kiến của bạn rất quan trọng để…”; “Câu trả lời của bạn sẽ cho phép những người tiêu dùng khác…”;
Khi kết thúc phiếu hỏi, nên cảm ơn người tham gia khảo sát của bạn. Điều đó giúp tăng cường khả năng hợp tác, hỗ trợ từ họ cho những lần sau.
✘ Các câu hỏi phụ quá riêng tư: Những câu hỏi phụ mang tính cá nhân như tên, tuổi chính xác, số điện thoại, email… đôi khi khiến người được khảo sát không thoải mái, không sẵn sàng trả lời các câu hỏi tiếp theo. Có thể bỏ qua nếu chúng không thực sự cần thiết; hoặc nếu cần phân loại đối tượng, hãy đưa ra các chọn lựa như các nhóm tuổi; các mức thu nhập trung bình, … thay vì để họ tự điền câu trả lời.
2. Thứ tự câu hỏi
✔ Sắp xếp theo thứ tự logic: Các câu hỏi được sắp xếp hợp lí theo thứ tự mang tính gợi mở trước, đào sâu sau sẽ giúp người tham gia dễ trả lời và được đánh giá là chuyên nghiệp. Ví dụ: trước khi hỏi về sự đánh giá của sinh viên về mua sắm online, nên hỏi về thói quen mua hoặc tần suất mua sắm của họ.
✔ Phân chia nhóm câu hỏi: Việc phân nhóm câu hỏi và đặt tên nhóm cụ thể không chỉ giúp người được khảo sát dễ theo dõi, dễ trả lời hơn mà còn tăng tính chuyên nghiệp cho bảng hỏi của bạn.
3. Sự đơn giản, ngắn gọn
✔ Câu văn ngắn gọn, rõ ràng dễ hiểu: Việc sử dụng các câu văn ngắn gọn, đơn giản sẽ tránh gây bối rối, mơ hồ cho người trả lời. Các câu văn nên chỉ nên gồm 1-2 mệnh đề, 3 mệnh đề trở lên sẽ gây khó hiểu. Đa số người trả lời thường thiếu tập trung đối với những bảng khảo sát quá dài, hãy cố gắng không hỏi thừa hay diễn đạt dài dòng.
✔ Câu hỏi trực tiếp, cụ thể: Đưa ra sự lựa chọn rõ ràng liên quan đến vấn đề bạn cần nghiên cứu, tránh việc mất thời gian người khảo sát suy nghĩ mà đưa ra những câu trả lời không có giá trị khảo sát.
Ví dụ: Nếu công ty bạn sản xuất nước ngọt A, đừng hỏi “Bạn thích uống loại nước giải khát nào nhất?” mà hãy hỏi trực tiếp “Bạn thích uống loại nước nào nhất trong 4 loại sau A, B, C,D?”.
✘ Diễn đạt lắt léo, đa nghĩa, khó hiểu: Tránh sử dụng thành ngữ, tục ngữ, chơi chữ, biệt ngữ xã hội, các thuật ngữ chuyên môn không phổ biến, khó hiểu.
Trên đây là một số lưu ý trong thiết kế một bảng hỏi hay mẫu khảo sát. Dựa trên những “nguyên tắc vàng” này, các bạn có thể sáng tạo những bảng hỏi, phiếu khảo sát thu hút người tham gia và đạt được hiệu quả mong muốn.
Tài liệu tham khảo: